"Tên trường đại học không phải tấm giấy thông hành chắc nịch cho tương lai. Tin hay không, thầy mong thời gian sẽ từ từ trả lời cho các em tất cả, miễn là các em tiếp tục cố gắng sải cánh bay".
Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu (người từng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng, giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford), hiện là một chuyên gia giáo dục độc lập, có những chia sẻ sâu sắc tới các bạn trẻ đã trượt nguyện vọng vào ngôi trường đại học mơ ước.
Gửi tặng các em đã trượt ngôi trường ước mơ
Hôm nay thầy lại muốn dành thời gian để gửi lời chia sẻ những bạn trẻ… thi trượt ngôi trường đại học mơ ước.
Bởi các em cũng đã cố gắng hết sức. Bởi vì các em đã gặp gỡ và "làm bạn" với thất bại đầu đời của mình sớm hơn những người khác. Và bởi vì thi trượt hôm nay sẽ giúp các em nhận ra thật nhiều điều mà lâu nay vì bận học quá, các em chưa có dịp để… nhìn.
Thầy gửi các em vài gợi ý nhé. Tin hay không, thầy mong là thời gian sẽ từ từ trả lời cho các em tất cả, miễn là các em tiếp tục cố gắng sải cánh bay. Không rụt rè, ngừng oán trách, và bớt than vãn.
Khóc được thì khóc cho đã đi
Em muốn khóc thì cứ khóc cho thật đã em nhé. Khóc cho hết cái đống bùi nhùi lùm xùm trong người. Đừng giấu nhẹm trong lòng chi cho mệt, nặng nề lắm. Các em xứng đáng và cần được khóc. Nếu có ai mà các em cảm thấy thoải mái ở bên, thì cứ mượn bờ vai của họ mà khóc nhé. Nó sẽ làm cho các em dễ chịu và bớt lạnh lẽo hơn nhiều đấy.
Nhưng khi nước mắt đã tạnh, thầy mong các em nhìn lại chặng đường vừa qua, các em đã nỗ lực như thế nào. Thậm chí thầy tin, có khi các em đã nỗ lực hơn cả những bạn thi đỗ. Và thầy mong các em hãy tự hào về bản thân vì những nỗ lực ấy. Nó không hề vô giá trị đâu nhé.
Những nỗ lực ấy đã dạy cho các em nhiều điều hơn là kết quả. Tinh thần "chiến đấu" hết mình vì một mục tiêu không phải là thứ dễ có trong đời. Vẫn có khối người lớn bỏ cuộc và biếng lười, mới xông trận, chưa làm gì mà đã rút lui rồi đó. Và ít ra là các em đã không rút lui.
Thi trượt làm em "khỏe" hơn rồi đó
Thường thì thất bại ở đời dạy cho chúng ta nhiều điều hơn là thành công. Ít ra nó dạy cho chúng ta một điều mà thành công không tài nào dạy được: Cảm giác "cay đắng" của thất bại và kinh nghiệm đi qua thất bại. Khi đó, hệ miễn dịch tự nhiên của các em với thất bại cũng khỏe hơn rồi đó.
Mai kia, khi những thất bại khác kéo đến - và chắc chắn là chúng sẽ đến với em và cả những bạn thi đỗ hôm nay, càng ngày càng đông, càng to, càng nặng, càng khó đỡ - thì có thể các em sẽ đương đầu và vượt qua nó tốt hơn một tẹo, nhanh hơn một chút so với các bạn thi đỗ hôm nay.
Đừng để thất bại "thứ hai" ló mặt
Thất bại nào cũng có hai lát cắt: Một lát cắt chính là bản thân sự thất bại, và một chính là cách chúng ta ứng phó với nó. Chúng ta không thể kiểm soát lát cắt đầu, nó đến thì đã đến rồi, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát lát cắt thứ hai. Thất bại thứ hai có đến hay không là do cách nhìn của các em.
Mong các em hãy dành thời gian để hiểu rằng, con đường phía trước - dù ở ngôi trường nào đi nữa - thì những thói quen học tập và cách nghĩ, cách sống tích cực vẫn cần xây dựng, duy trì. Chỉ cần như vậy, thất bại thứ hai của thi trượt hôm nay đã không có cơ hội ló mặt.
Tự tin bước tiếp bằng bản lĩnh
Nếu hôm nay các em trượt vào trường đại học danh tiếng và chỉ vào được một ngôi trường "thường thường" trong cách nhìn của nhiều người, thầy mong các em hãy tự tin bước tiếp. Cách nhìn của nhiều người ở đời ít khi nào đúng lắm, vì đôi khi chính họ cũng không hiểu sự đời lắm đâu.
Đã có nhiều em "thường thường" đến từ những ngôi trường và vùng đất "thường thường", sau vài năm, lại qua mặt những ngôi sao sáng hôm nay. Bởi vì họ hiểu được rằng kết quả hôm nay và tên trường đại học không phải là tấm giấy thông hành chắc nịch cho các em trên đường tương lai. Và cũng có không ít người thi đỗ trường xịn, mai kia lại buông tay, từ từ tụt dốc đi xuống, vì có lẽ họ ngủ quên hơi lâu.
Thi trượt, thất bại nó rèn cho mình cái bản lĩnh và dũng khí kinh khủng lắm, đặc biệt trong thời buổi mà người người nhà nhà thích săm soi, chỉ chăm chú tung hô thành công và "bĩu môi" trước thất bại. Bản lĩnh, dũng khí đạp lên những cái bĩu môi, đánh giá ấy để mạnh mẽ bước tiếp là thứ mà không phải ai thi đỗ cũng có được.
Theo đuổi những thứ ngoài thi cử
Có lẽ gần một năm qua, các em tập trung hầu hết vào việc ôn luyện, thi cử; chúng hầu như chiếm trọn giờ mở mắt và đôi khi là cả giấc ngủ của các em. Nhưng giờ đây, thầy mong các em hãy gỡ mắt ra khỏi vài môn thi ấy và nhận ra rằng thế giới, cuộc sống này còn có nhiều thứ đáng để theo đuổi ngoài những môn học ấy.
TS. Nguyễn Chí Hiếu - tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại ĐH Stanford (Mỹ) và thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA tại ĐH Oxford (Anh) - tác giả bài viết.
Thể thao, âm nhạc, hoạt động học sinh, đọc sách, viết lách, tranh biện, đi làm từ thiện, hay phụ giúp công việc gia đình, "thực tập sương sương không lương"…, làm được gì thì các em nên làm, và đã làm thì làm hết mình nhé. Những việc này dạy các em nhiều thứ lắm, không có trong mấy môn học và đề thi kia đâu.
Đừng chỉ chăm chú vào thành quả hôm nay và nghĩ rằng đó là tất cả. Nó tuyệt đối không phải là tất cả, em nhé. Còn ai khẳng định kết quả đó là tất cả thì thầy tin qua thời gian, các em sẽ chứng minh họ đã sai.
Trân trọng những gì các em nhận được
Khi những cảm xúc tiêu cực lắng xuống, các em thấy nhẹ lòng hơn, thì mong các em có thể bình tâm nhìn lại xung quanh mình và chặng đường dài vừa đi qua. Để nhận ra ai là những người đã nắm tay em, lẳng lặng đứng sau lưng và ngắm nhìn em, để cùng em đi qua những ngày tháng khó khăn vừa qua nhé.
Có thể cách bố mẹ nói chuyện, đặt kỳ vọng đã làm em khó chịu và áp lực, nhưng thầy mong các em hiểu rằng tất cả cũng chỉ xuất phát từ tình thương - tuy cách thể hiện nhiều lúc chưa hợp lý lắm. Dù hôm nay em trượt, thì họ cũng cần một lời cảm ơn và những hành động trân trọng từ em.
Vì thời gian qua, họ không sống cho mình nhiều bằng việc họ sống cho em - và họ sẽ vẫn tiếp tục sống cho em cả đời đó.
Cuộc sống tươi đẹp hay không, tất cả chỉ là một nút công tắc trong cách nghĩ. Đơn giản vậy thôi, tốt hay xấu là do chính mình quyết định, từ suy nghĩ đến hành động. Dù tương lai có tốt hơn thực tại, thì cả hai cũng chỉ là phiên bản trong trí tưởng tượng của chúng ta, không hề có thực.
Điều duy nhất thật sự tồn tại là thời điểm ngay lúc này, và điều chúng ta có thể làm là dốc hết sức mình, để cái thực tại ấy đáng sống. Và vì vậy, tụi em hãy tiếp tục học, học với trọn niềm tin thuần khiết như những đứa trẻ cứ cầm bút lên là vẽ, vỗ tay là hát, thấy cái gì lạ lạ là hỏi, cứ té là đứng dậy để đi tiếp.
Chẳng có đứa trẻ nào đang tập đi, té chục lần rồi tự bảo: Thôi té nhiều đau quá, không tập đi nữa cả. 100/ 100 đứa trẻ vẫn sẽ chống tay, đứng dậy, tập đi tiếp mà chẳng biết là mình có té nữa không, và cũng chẳng quan tâm có ai cười chê, xét nét. Và các em cũng đã từng là một đứa trẻ như thế, chống tay, đứng dậy và bước tiếp. Hân hoan, rạo rực và bất chấp.
Chính mình quyết định con đường mình sẽ đi, dù hôm nay là "thành" hay "bại", em nhé. Thầy tin các em sẽ nhìn được con đường tươi sáng để đi, dẫu hôm nay các em cười hay khóc, vì con đường luôn ở phía trước, đợi chờ bàn chân của những người bản lĩnh.
Phía trước mắt của mỗi cánh chim, dù nó đang bay cao hay lượn thấp, đều vẫn là biển rộng trời cao. Sải cánh tung bay hay ngập ngừng bám víu bờ, quyền quyết định không phải nằm ở sóng gió, mà là ở chính các em đó.
Nhân vật Peter Pan có nói: "Thời khắc bạn nghi ngờ liệu mình có thể bay, tức là bạn đã dừng bay mãi mãi".
Vậy nên, đừng quá nghi ngờ, "tra tấn hạ thấp" bản thân các em nhé. Các em có thể bay, và các em sẽ bay. Chỉ cần các em không ngừng tập bay, như bản thân đã từng, vẫn đang và sẽ mãi.
Đôi nét về TS. Nguyễn Chí Hiếu:
- Học bổng toàn phần A-level của trường Cambridge Tutors College (nước Anh) năm 2001.
- Sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004.
- Học bổng toàn phần của Học viện Kinh Tế và Chính Trị London (LSE). Thủ khoa của khoa Kinh tế trong tất cả các năm học khóa 2004-2007.
- Một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006.
- Thủ khoa tốt nghiệp của toàn trường LSE. Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế trong tất cả các trường đại học ở London năm 2007.
- Học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ Đại học Stanford (Mỹ). Học bổng của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) niên khóa 2007-2012.
- 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford.
- Học bổng toàn phần chương trình MBA, ĐH Oxford.
TS. Nguyễn Chí Hiếu