Cơ hội việc làm lớn
Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đào tạo khối ngành chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc sức khỏe do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức chiều 6.5 đã cung cấp nhiều thông tin về ngành chăm sóc sắc đẹp đang rất "hot" hiện nay.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, nhận định: "Những năm gần đây, chăm sóc sắc đẹp được xem là lĩnh vực tiềm năng trong tuyển sinh và đào tạo vì nhu cầu làm đẹp trong xã hội rất lớn".
Trường này được cấp phép đào tạo ngành tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp với nhiều chuyên ngành như phun xăm, nối mi, tạo mẫu tóc, chăm sóc da, trang điểm và nail, vốn là những dịch vụ đang rất "hot" hiện nay.
Các dịch vụ làm đẹp nở rộ đáp ứng nhu cầu làm đẹp của khách hàng khiến ngành học này đang rất thu hút. K.V
Trường trung cấp quốc tế Khôi Việt cũng đã được cấp phép để tuyển sinh và đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp bậc trung cấp, và hệ sơ cấp có các lớp phun, thêu, xăm trên da, chăm sóc da, vẽ móng nghệ thuật, nghệ thuật trang điểm, thiết kế và tạo mẫu tóc.
Người học sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng trong quy trình phục vụ khách hàng như kỹ thuật chăm sóc tóc, móng, da, toàn thân, nghệ thuật trang điểm, tư vấn mỹ phẩm cho khách hàng... cùng cách sử dụng các thiết bị, máy móc chuyên ngành.
Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Khi nhu cầu làm đẹp tăng chóng mặt, các dịch vụ làm đẹp lên ngôi, thì chăm sóc sắc đẹp không chỉ là đam mê, sở thích mà còn trở thành nghề nghiệp mang lại thu nhập tốt. Học những ngành liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp thì cơ hội việc làm tốt với mức thu nhập cao là vô cùng dễ dàng".
Theo ông Đức, nếu học trung cấp, người học chỉ cần thời gian từ 1,5 năm và sơ cấp từ 3-6 tháng là có thể nắm bắt được kiến thức, kỹ năng nghề để bắt đầu lập nghiệp.
Ông Hoàng Quốc Long cho rằng chính vì nhận thấy nhu cầu quá lớn nên nhiều cơ sở chưa hề có giấy phép mở ngành chăm sóc sắc đẹp nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo, đồng thời còn thực hiện dịch vụ để thu lợi nhuận dẫn đến hậu quả xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các đơn vị đào tạo về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói chung.
Ông Long đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp quản lý, giám sát, xử lý các cơ sở đào tạo không đúng quy định để người học, xã hội an tâm, tin tưởng vào đào tạo nghề nghiệp.
Giờ thực hành của học sinh ngành chăm sóc sắc đẹp tại một trường trung cấp K.V
Tương tự, bà Đỗ Thị Thiết, Trưởng cơ sở Trường trung cấp Y tế trung ương, cũng nêu: "Hiện còn rất nhiều nơi đào tạo lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp không được cấp phép. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp kiểm soát để đảm bảo công bằng trong hoạt động đào tạo của lĩnh vực này. Cần có sự tách biệt giữa hoạt động của cơ sở đào tạo và cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Nơi nào thực hiện không đúng thì cần được xử lý".
Ông Trần Thành Đức cũng nhìn nhận việc những cơ sở làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp để xảy ra sự cố thời gian quan không liên quan đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép đào tạo ngành này. "Chính vì thế, doanh nghiệp nào mà tổ chức đào tạo không phép gây ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì cần phải được chấn chỉnh, xử lý", ông Đức nói.
Trao đổi tại hội nghị, thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở LĐ-TB-XH, cho biết sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các cơ sở hoạt động không phép, xử lý nghiêm các sai phạm.
"Sở LĐ-TB-XH cũng sẽ có văn bản gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát các đơn vị đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn, đề xuất tham kiểm tra, định hướng các cơ sở hoạt động đúng quy định", ông Sự chia sẻ thêm.
Theo Mỹ Quyên báo Thanh Niên