Tin giáo dục

Kiến nghị trường nghề được dạy 7 môn để học viên học liên thông lên cao hơn

Các trường nghề kiến nghị, học sinh đã có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình GDPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Các trường nghề kiến nghị, học sinh đã có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình GDPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại Hội nghị trực tuyến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 8/9, đại diện nhiều trường nghề cho rằng, dự thảo cần tạo quyền lợi được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cho người học trung cấp.

Cần đảm bảo tính liên thông dọc và ngang

Cụ thể, TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, nếu ở dự thảo lần một quy định, học sinh có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu, khi học bổ sung các môn học để hoàn thành chương trình tiếp theo thì ở dự thảo gần nhất không còn nội dung đó.

Dự thảo mới nhất chỉ ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là: "Giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông để học lên trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật".

Kiến nghị trường nghề được dạy 7 môn để học viên học liên thông lên cao hơn

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Hùng, các môn học văn hóa THPT trong Dự thảo Thông tư quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp của Bộ GD-ĐT không chỉ cần đảm bảo tính liên thông dọc (để có thể học tiếp lên cao đẳng), mà cần cả tính liên thông ngang.

Muốn vậy, nội dung quy định của Bộ GD-ĐT cần được thiết kế thống nhất với các môn học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT về cả cấu trúc, nội dung, thời lượng học tập (số tiết các môn học). 

Tính liên thông này giúp người học nếu có nguyện vọng thì có thể học bổ sung các môn học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, theo ông Hùng, dự thảo nên quy định rõ, cụ thể hơn nữa mục đích của việc học khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Đó là không chỉ học để liên thông lên trình độ cao đẳng mà còn là điều kiện để học sinh tham gia dự tuyển vào đại học hoặc liên thông lên trình độ đại học và sử dụng trong những trường hợp khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình cho rằng, nếu chỉ được học như thế này, sau khi các em tốt nghiệp trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng mà muốn thi tuyển vào các vị trí viên chức, công chức thì sẽ rất khó khăn. Thực tế, ở hầu hết các nơi, hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, khi thiếu bằng tốt nghiệp THPT thì chỉ bằng tốt nghiệp cao đẳng là không đủ".

Kiến nghị trường nghề được dạy 7 môn để học viên học liên thông lên cao hơn

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình.

Bà Dung kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học trung cấp có thể liên thông lên cao đẳng. Thứ hai là chương trình được phép dạy 7 môn nếu người học có nhu cầu, để có thể sau này thi tốt nghiệp lấy bằng tốt nghiệp THPT, liên thông lên đại học. Mặt khác, dự thảo nên có quy định điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triển khai chủ động việc dạy văn hóa THPT.

Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM cũng cho rằng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không thể nào việc liên thông chỉ giới hạn trong giáo dục nghề nghiệp, mà phải liên thông trong hệ thống toàn quốc.

Việc chỉ cho các em dừng lại ở cao đẳng và chững lại ở đó, không được phát triển nữa là bất cập, điều phi lý trong nền giáo dục mở. Ông Lộc cũng đề nghị cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện được giảng dạy bổ sung các môn văn hóa để các học viên có thể dự thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, cho phép các trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện và đã dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT rồi thì được quyền tổ chức giảng dạy, bổ sung các môn học còn thiếu cho người học để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặt lợi ích của người học lên cao nhất

Kết luật hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, xoay quanh câu chuyện làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đó là vừa học văn hóa, vừa học nghề. Đây là cốt lõi căn bản nhất và phải đứng trên quan điểm "lợi ích của người học là số 1".

"Quan trọng nhất, nhu cầu của người học, người dân là gì thì Nhà nước phải thiết kế hệ thống thể chế để chúng ta quy định để chúng ta kiến tạo điều đó. Không đứng trên lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích nào, chúng ta đứng trên quan điểm của hệ thống, đứng trên mục tiêu tổng thể. Chúng tôi cũng đang có quan điểm như thế: Không phải của anh, của tôi mà là của chúng ta".

Làm thế nào để chúng ta thực hiện tốt nhất chủ trương phân luồng, liên thông của Đảng, Chính phủ? Làm như thế này có vướng mắc trong phân luồng không? Vướng mắc trong liên thông không? Theo ông Dũng, tựu trung lại có hai nhóm vấn đề.

Một là, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức đam kết luận trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo LĐ-TB&XH. Trong đó, có việc Phó Thủ tướng chỉ đạo chúng ta có thể nghiên cứu sáp nhập hoặc thành lập các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp vào trường Cao đẳng.

Thực tế, không chỉ riêng Lào Cai, nhiều tỉnh khác cũng đã thực hiện và chúng ta phải thúc đẩy mô hình này. Để rồi chúng ta xem nên nhân rộng hay dừng lại. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải làm đã, phải khuyến khích và chú ý những điều này.

Kiến nghị trường nghề được dạy 7 môn để học viên học liên thông lên cao hơn

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, để tham gia ý kiến vào Dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ GD-ĐT, trước tiên chúng ta phải làm rõ đối tượng và phạm vi của thông tư này.

"Nếu chúng ta chỉ quy định khối lượng kiến thức văn hóa trong THPT học liên thông lên Cao đẳng thì sẽ không giải quyết được nhu cầu của người học. Không giải quyết được thực trạng, thực tiễn hiện đại tại các trường (mà phải mở rộng thêm theo đề xuất của chúng ta).

Về chuyên môn, khối lượng kiến thức, thời gian giảng dạy và yêu cầu tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ hay kể cả việc mẫu giấy chứng nhận ai cấp cũng phải làm rất chặt chẽ, chúng ta phải làm rất chi tiết.

Cuối cùng văn bản pháp luật ban hành ra phải liên quan đến đối tượng chịu tác động của văn bản đó. Tổng cục sẽ có văn bản nhưng các trường, các sở cũng phải tham gia và lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, học sinh, sinh viên trong nhà trường: Tác động của nó như thế nào? Ban hành ra, có đi vào được cuộc sống hay không, đó là vấn đề. Văn bản nào ban hành ra cũng phải đi vào cuộc sống thì mới đạt được mục tiêu. Trên cơ sở đó, Tổng Cục sẽ tổng hợp lại rất nhanh ý kiến trong vòng một tuần vì tất cả đều đang "sốt ruột".

Chúng ta tổng hợp và chính thức có văn bản góp ý với Bộ GD-ĐT, nếu như hai Bộ cần thiết có một buổi làm việc trực tiếp thì sẽ đăng ký trực tiếp làm việc trong để chúng ta cùng bàn những vấn đề cụ thể từ đó đi đến thống nhất. Chính phủ đã có hai Chỉ thị nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho các trường nghề trong dạy văn hóa. Nếu hai Bộ không đáp ứng được thì phải báo cáo Chính phủ tháo gỡ", ông Dũng nhấn mạnh.

"Tinh thần chúng tôi đóng góp một số ý để làm sao khi Thông tư được ban hành tạo cơ hội học tập cho người học đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo ra cơ hội khai thác tối ưu hóa năng lực của các cơ sở đào tạo trên cả nước trong việc tham gia vào việc dạy chữ dạy nghề cho người học.

Mong rằng, Thông tư tới đây giải quyết được đồng thời 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là quy định cụ thể khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà các em cần được học để có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mong muốn học viên học kiến thức văn hóa THPT không chỉ dừng ở việc liên thông lên cao đẳng", Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ.

Lệ Thu - Tỗng cục GDNN

 

Các tin mới nhất
Lễ tốt nghiệp và trao bằng trung cấp năm 2024

Lễ tốt nghiệp và trao bằng trung cấp năm 2024

Buổi lễ nhằm ghi nhận, tôn vinh thành quả học tập của các tân khoa, đánh dấu một bước tiến mới của các bạn trong cuộc sống. Các tân khoa sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm, phấn đấu liên tục, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kiến thức, tác phong nghề nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc sau khi ra trường.

“ Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và Kết nối”: Đêm Gala tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam

“ Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và Kết nối”: Đêm Gala tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chương trình “ Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và Kết nối” đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Trường TC Quốc tế Khôi Việt và kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

"Khôi Việt Beauty Stars - Tri ân và Kết nối" chương trình Ký kết hợp tác và giao lưu tay nghề

Chương trình “ Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và Kết nối” đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Trường TC Quốc tế Khôi Việt và kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi thư chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi thư chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thân gửi thư chúc mừng tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức

Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và kết nối

Khôi Việt Beauty Stars – Tri ân và kết nối

“Khôi Việt Beauty Stars- Tri ân và Kết nối” – Chương trình chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt sẽ được tổ chức vào ngày 17/11 tại TP HCM.

Khai giảng hệ trung cấp năm học 2023 - 2024 tại tỉnh Vĩnh Long

Khai giảng hệ trung cấp năm học 2023 - 2024 tại tỉnh Vĩnh Long

Thực hiện kế hoạch năm học 2023 – 2024, vào lúc 14h00 ngày 18 tháng 10 năm 2023, Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt phối hợp Trung Tâm GDNN-GDTX Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Đăng ký để nhận thông tin giáo dục tuyển sinh

Đăng ký để nhận thông tin giáo dục tuyển sinh

Đăng ký ngay và nhận bản tin hàng tuần với các tài liệu giáo dục, các khóa học mới, các bài đăng thú vị, các cuốn sách phổ biến và hơn thế nữa!

ĐIỆN THOẠI Đăng ký tuyển sinh ZALO FACEBOOK EMAIL BACKTOP