Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội nói chung và giáo dục, đào tạo nói riêng. Cuộc cách mạng về dạy và học “Đào tạo trực tuyến” (E-learning) ra đời đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Đặc biệt, bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới trong gần hai năm qua như là một “phép thử”, vừa tạo ra những khó khăn trong công tác dạy học, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy hình thức E-learning phát triển và là một giải pháp hữu hiệu giải quyết tình huống trong bối cảnh giãn cách xã hội. E-learning không chỉ bó hẹp trong giáo dục phổ thông, giáo dục đại học mà cả trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Từ những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid -19 bùng phát mạnh mẽ trên thế giới diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, hệ thống GDNN nói riêng. Để ứng phó với tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có hướng dẫn hệ thống GDNN chuyển đổi tuyển sinh, đào tạo từ mô hình đào tạo truyền thống (offline) sang hình thức đào tạo trực tuyến (online). Đặc biệt, ngày 15/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp: “Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả chất lượng đào tạo từ xa, trực tuyến và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp”. Có thể nói rằng, hình thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến sẽ được phát triển trong thời gian tới và cùng với đó là các hình thức kiểm soát phù hợp nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cụ thể hóa chính sách giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt mà Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho ngành.
E-learning đã được phát triển ở các nước tiên tiến từ lâu, song trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam mới chỉ được đẩy mạnh từ khi dịch Covid - 19 bùng phát. Yếu tổ bị động, bất ngờ trong việc tổ chức dạy học online để đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh giãn cách xã hội không thể tránh khỏi sự chuẩn bị chưa thật kỹ lưỡng cho hình thức đào tạo mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Để bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, cùng với việc hoàn thiện các chính sách, văn bản hướng dẫn, các công cụ quản lý, giảm sát việc dạy – học trực tuyến, trách nhiệm tự chủ, sự chủ động, sáng tạo của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự nỗ lực của học sinh, sinh viên và của xã hội, thì một yếu tổ không kém phần quan trọng đó là chất lượng, tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi của đội ngũ giáo viên, giảng viên (GV).Trong phạm vi bài viết này đề cập một số nội dung trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ GV để đáp ứng yêu cầu và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến.
Kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết kế các chương trình dạy học E-learning, việc đầu tiên phải đào tạo cập nhật, nâng cao năng lực đội ngũ GV về kỹ thuật số, tức là để GV có năng lực đào sâu kiến thức (UNESCO 2011). Cách tiếp cận như vậy có thể chuyển đổi GV từ việc có kiến thức cơ bản về phương pháp tiếp cận học tập điện tử sang có thể áp dụng kiến thức đó để sử dụng công nghệ kỹ thuật số giải quyết các vấn đề phức tạp, chuyển từ các công cụ công nghệ thông tin cơ bản sang các công cụ phức tạp hơn và biến lớp học tiêu chuẩn của họ thành cộng tác nhóm mà họ quản lý và hướng dẫn trực tuyến. Hơn nữa, “giảng dạy bằng công nghệ đòi hỏi GV phải mở rộng kiến thức về thực hành sư phạm trên nhiều khía cạnh của quá trình lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá” (Ertmer & Ottenbreit-Leftwich 2010). Tuy nhiên, sự chuyển đổi như vậy sẽ đòi hỏi phải thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao năng lực của GV theo các khía cạnh sau: (a) kiến thức về nội dung E-learning; (b) kiến thức sư phạm về thực hành, chiến lược, phương pháp hoặc phương pháp hướng dẫn trực tuyến; và (c) tài nguyên, công nghệ hoặc tài liệu hướng dẫn mới hoặc đã được thay đổi. Nó cũng đòi hỏi phải thay đổi niềm tin, thái độ và ý tưởng sư phạm của GV liên quan đến các phương pháp tiếp cận E-learning.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trực tuyến có chất lượng, các GV cần có kỹ năng, năng lực và thái độ sau:
1. Thái độ tích cực đối với E-learning.
GV nên tin tưởng vào những tác động tích cực mà E-learning có thể đem lại đối với cuộc sống và nghề nghiệp của mỗi cá nhân, cũng như các cơ hội và thế mạnh của E-learning (Philomina & Amutha 2016). Họ cũng nên có thái độ tích cực đối với sự thay đổi, sẵn sàng sử dụng các công cụ và công nghệ mới để thích ứng với các tình huống mới. Thái độ tích cực đối với E-learning cũng có thể xây dựng cho GV sự tự tin, sự sẵn sàng, kỳ vọng tích cực, khả năng tư duy và sáng tạo.
Tầm quan trọng của việc GV có thái độ tích cực đối với E-learning là cần thiết để giáo viên tiến hành bước tiếp theo của quá trình dạy học hiệu quả và truyền cảm hứng cho học sinh trong việc chấp nhận sự thay đổi. Thái độ tích cực cũng giúp GV dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, tạo ra sự thay đổi và chịu trách nhiệm khi đối mặt với khó khăn, phức tạp. Chấp nhận thử thách và chịu trách nhiệm giúp tăng khả năng tiếp nhận E-learning của mọi người. Niềm tin giữa các giáo viên về lợi ích của E-learning càng lớn, thì họ sẽ có cơ hội sử dụng nó càng lớn (khả năng sự dụng chung, chia sẻ nguồn lực, tài liệu, công cụ...).
2. Sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số
GV cần nhận thức được nhiều công cụ và ứng dụng cho E-learning có sẵn qua điện thoại di động và máy tính xách tay, có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo kỹ năng lý thuyết và thực hành. Sự sáng tạo cũng cần thiết để tìm ra những cách dạy mới đối với các môn học, chẳng hạn như trò chơi, video và các công cụ tương tác. Các công cụ kỹ thuật số và cách tiếp cận giảng dạy sáng tạo có thể làm cho các bài học trở nên thú vị hơn và tạo ra sự tích cực cho E-learning. GV cũng cần có sự sáng tạo để sử dụng tốt nhất bất kỳ công cụ nào có sẵn cho học sinh, sinh viên. Đó là kỹ năng quan trọng, vì nhiều học sinh, sinh vên học nghề đặc biệt vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, việc tiếp cận máy tính, Internet, điều kiện thực hành, học tập trực tuyến tại nhà còn nhiều bất cập.
Các phương pháp tiếp cận sáng tạo có thể kể đến như: (1) sử dụng các trang web chính của trường học để đăng video và ý tưởng sáng tạo của học sinh, bằng các cuộc thi cho video hay nhất; (2) tạo kênh học tập cho sinh viên trên YouTube, nơi họ có thể chia sẻ công việc của mình trực tuyến...
Có thể có rất nhiều ý tưởng sáng tạo của GV ở mỗi ngành nghề, bối cảnh, điều kiện cụ thể để truyền cảm hứng cho học sinh, khuyến khích họ hình thành và chia sẻ nội dung và ý tưởng của họ, đồng thời thúc đẩy các tương tác trực tuyến của học sinh. Những sáng tạo này sẽ tạo ra tính kết nối, chia sẻ không chỉ trong đội ngũ GV, học sinh trong trường mà còn kết nối với các GV, học sinh ở trường khác, ngành khác... góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí đào tạo.
3. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là rất cần thiết đối với GV để có thể đánh giá mức độ năng lực của học sinh, quản lý hành vi của học sinh, giữ cho học sinh tham gia và khuyến khích, động viên học sinh trong các giờ học trực tuyến. Giáo viên cũng cần có kỹ năng giao tiếp tốt để tương tác với học sinh, khám phá các kỹ năng, tài năng và ý tưởng sáng tạo của học sinh.
4. Kỹ năng chuẩn bị
Giáo viên cần biết làm thế nào để học sinh có sự chuẩn bị trước khi học trực tuyến. Ví dụ, gửi tài liệu học tập hoặc giao các nhiệm vụ nhỏ cho học sinh làm trước bài học tạo ra môi trường thuận lợi cho tương tác trực tuyến và cho học sinh đủ thời gian để “khởi động” các chủ đề của khóa học, từ đó có thể tăng cường sự tham gia của họ trong giờ học. Điều đó cũng nhắc nhở học sinh tham gia học đúng giờ trong giờ học. Việc chuẩn bị giảng dạy trực tuyến tốt không chỉ bao gồm việc chia sẻ tài liệu mà còn cung cấp phản hồi, trả lời câu hỏi và đưa ra phương pháp kiểm soát hành vi của học sinh trong giờ học.
5. Kỹ năng tạo động lực
Khả năng quản lý các lớp học và việc học trực tuyến của học sinh là một kỹ năng quan trọng không chỉ đơn thuần là hiểu cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số để chia học sinh thành các nhóm. Hiểu cách quản lý các tương tác trong lớp và bồi dưỡng các kỹ năng, chẳng hạn như làm việc nhóm và cộng tác, trong các bài học trực tuyến là những kỹ năng giáo viên sẽ yêu cầu được đào tạo và hỗ trợ đặc biệt.
6. Kỹ năng lãnh đạo
Khả năng “trao quyền cho người học” bằng cách khiến họ cảm thấy được tham gia và cung cấp cho họ cảm giác làm chủ quá trình học tập là một kỹ năng khá quan trọng (Redecker 2017). Việc đào tạo các kỹ năng lãnh đạo nên cải thiện khả năng của giáo viên trong việc thúc đẩy học sinh và gia đình của họ, chẳng hạn như tiếp thu và thể hiện sự hiểu biết về nhu cầu, trình độ và những ràng buộc của học sinh.
Đào tạo nâng cao các kỹ năng lãnh đạo cho GV để thúc đẩy học sinh và phụ huynh của họ chấp nhận E-learning như một phần quan trọng trong giáo dục của họ. GV cần nâng cao kỹ năng lãnh đạo và áp dụng để tạo động lực cho học sinh.
7. Kỹ năng quản lý thời gian
GV cần quản lý bài học và truyền tải nội dung học tập trong một khoảng thời gian giới hạn. Trong các tiết học kéo dài 45 phút, GV phải trình bày cả phương pháp luận và công cụ học tập, đòi hỏi phải có kế hoạch. Kỹ năng quản lý thời gian cũng cần thiết cho giáo viên để chuẩn bị cho các buổi học trực tuyến trước khi bắt đầu, để đảm bảo học sinh đến lớp đúng giờ và bài học bắt đầu đúng giờ.
8. Đánh giá
GV phải sử dụng các công cụ và phương pháp trực tuyến để đánh giá, xếp loại và cung cấp phản hồi cho học sinh, trong phạm vi hạn chế của các công cụ và công cụ công nghệ thông tin, truyền thông hiện có. Học cách làm thế nào để đào tạo trực tuyến hiệu quả đòi hỏi GV phải được đào tạo và thực hành. Ví dụ, sau mỗi giờ học trực tuyến cần lấy thông tin phản hồi bằng hình thức trực tuyến từ người học để GV, HS có sự điều chỉnh và tương tác hiệu quả hơn trong các giờ học sau.
Cần có những cách tiếp cận sáng tạo để vượt qua những trở ngại đối với đánh giá trực tuyến. Ví dụ, như việc phụ huynh trả lời câu hỏi hoặc thực hiện nhiệm vụ cho con em họ một cách vô ích, gây ra những hậu quả tiêu cực cho việc học tập của học sinh. Để giải quyết vấn đề này có thể yêu cầu học sinh thực hiện một nhiệm vụ trong khi đó yêu cầu học sinh quay một đoạn video ngắn bằng giọng nói của họ, để đảm bảo rằng học sinh đang thực hiện nhiệm vụ và bài tập về nhà. Như vậy, GV có thể sử dụng một kỹ thuật và công cụ đơn giản để kiểm tra xem học sinh có đang tự làm bài và học tài liệu được dạy hay không.
Các công cụ và phương pháp trực tuyến có thể là những biện pháp tiết kiệm thời gian cho giáo viên, một khi các kỹ năng mới được thu nhận và có sự đầu tư của GV thì E-learning bắt đầu có thành công.
Vì vậy, để đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến đòi hỏi sự tích cực, chủ động của GV đồng thời GV cần được đào tạo về các công cụ bảo đảm chất lượng tiên tiến và phương pháp luận sáng tạo để thực hiện đánh giá và chấm điểm bài tập về nhà, giúp học sinh gắn bó và tiết kiệm thời gian để giáo viên làm các công việc khác với học sinh.
Những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết đã nêu trên là những năng lực cơ bản mà GV GDNN cần có để cung cấp các chương trình E-learning có chất lượng, các kiến thức, kỹ năng đó bổ sung cho nhau và không thể tách rời nhau. Hơn nữa, GV GDNN cần có những kỹ năng này ở tất cả các giai đoạn của quá trình dạy và học, từ giai đoạn lập kế hoạch ban đầu đến giai đoạn thực hiện và đánh giá.
E-learning được coi như một công cụ mới để giảng dạy đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong các yếu tố của quá trình học tập, đó là: môi trường, giảng viên, học viên và nội dung. Học trực tuyến trong GDNN tại Việt Nam đã trở thành một nhu cầu cần thiết sau khi các trường học đóng cửa vì Covid-19, cũng như xu thế của một nền giáo dục mở, linh hoạt trong bối cảnh cuộc cách mạng số. Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Tổng cục GDNN) đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn trong việc triển khai đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, việc học tập trực tuyến vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nhu cầu chưa được đáp ứng về năng lực và kỹ năng công nghệ thông tin tiên tiến mà GV GDNN yêu cầu phải chuẩn bị, lập kế hoạch, sắp xếp và cung cấp chương trình giảng dạy cũng như thực hiện đánh giá bằng các công cụ và phương pháp trực tuyến; các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo trực tuyến mới đang trong quá trình xây dựng, ban hành... Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay rất cần tinh thần chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan quản lý các cấp, sự tích cực tương tác của người học, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, đặc biệt là tinh thần tự học tập, bồi dưỡng, không ngừng vận dụng sáng tạo các kiến thức, kỹ năng số của đội ngũ GV trong dạy học trực tuyến, để E-learning sẽ trở thành công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cho người học, hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam./.
Ths.Trần Thị Thu Hà - PCT Cục Kiểm định chất lượng GDNN